Trao đổi với Báo VietNamNet, ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: Với phương thức giải quyết thủ tục hành chính truyền thống trước kia, người dân phải đến bộ phận một cửa để nộp hồ sơ và nhận kết quả. Nay với mô hình “phi địa giới hành chính”, người dân có thể ra ngay bưu điện gần nhà để nộp hồ sơ, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và công sức, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa (từ xã lên tỉnh hoặc lên huyện cách xa mấy chục cây số, muốn kịp nộp hồ sơ thì phải đi từ rất sớm), hoặc những người có nhu cầu làm thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương khác.
Thực tế nhiều năm qua, Bưu điện Việt Nam, doanh nghiệp duy nhất được giao quản lý mạng bưu chính công cộng và cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, đã trở thành một trong những nhân tố rất tích cực tham gia triển khai mô hình dịch vụ hành chính công “phi địa giới hành chính”.
“Chung tay” cải cách hành chính, Bưu điện Việt Nam đã phối hợp với nhiều cơ quan hành chính để triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Với những thủ tục mà cơ quan hành chính công bố trong danh mục được tiếp nhận và trả kết quả qua mạng bưu chính công ích, người dân chỉ cần đến điểm giao dịch bưu điện sẽ thực hiện được.
Thông tin dữ liệu cá nhân được bảo mật tuyệt đối
Cả nước hiện có khoảng 6.500 bưu cục đã được đầu tư trang thiết bị khang trang, hệ thống máy tính kết nối mạng Internet sẵn sàng phục vụ việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Quá trình triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn giảm tải áp lực cho chính các bộ phận một cửa khi số lượng hồ sơ được rải ra nhiều điểm tiếp nhận của bưu điện thay vì chỉ tập trung về một cửa của cơ quan hành chính.
Lợi ích rõ ràng nên các địa phương đều tích cực triển khai. Số lượng hồ sơ được tiếp nhận và chuyển trả qua bưu điện tăng dần theo các năm: Năm 2020 khoảng hơn 20 triệu, năm 2022 khoảng 32 triệu. Toàn bộ hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính đều được đảm bảo an toàn, chính xác, đặc biệt là các dữ liệu cá nhân được bảo mật tuyệt đối.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông về giải quyết thủ tục hành chính và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Điểm đáng chú ý là cho phép các cơ quan hành chính thuê doanh nghiệp bưu chính công ích, bố trí nhân viên bưu điện làm thay nhiệm vụ của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa.
Mô hình này đã được triển khai thí điểm trước hết tại Đồng Tháp, sau đó nhân rộng ra một số địa phương khác, cho kết quả khả quan. Rõ nét nhất là tinh gọn được bộ máy. Một nhân viên bưu điện có thể tiếp nhận hồ sơ cho nhiều sở, ngành có số lượng hồ sơ phát sinh thấp. Một số trung tâm hành chính công trước đây phải bố trí 20 - 40 người ngồi trực tại bộ phận một cửa, sau khi chuyển sang bưu điện làm thay thỉ chỉ cần 10 - 15 nhân viên bưu điện.
“Có thể nói, bưu điện giống như cánh tay nối dài của cả người dân và chính quyền thông qua việc hỗ trợ người dân nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nhà. Bên cạnh đó, sự tham gia của bưu điện giúp các cấp chính quyền tinh giản biên chế, cán bộ công chức có nhiều thời gian để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn hơn”, ông Cường nhấn mạnh.
Tiếp tục đổi mới để có lợi hơn cho dân
Theo đại diện của Ban Dịch vụ hành chính công, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, một mô hình mới đang được triển khai thí điểm tại một số địa phương là các điểm giao dịch của bưu điện có thể đảm nhận nhiệm vụ của bộ phận một cửa, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Người dân có thể ra các bưu cục, nhân viên bưu điện sẽ tiếp nhận hồ sơ và chuyển sang cơ quan hành chính để các cơ quan cập nhật và theo dõi, quản lý, giải quyết hồ sơ theo quy định.
“Nhằm tăng tính thuận tiện, hiệu quả, một số cơ quan hành chính đang triển khai mô hình cấp tài khoản cho nhân viên bưu điện để có thể nhập luôn dữ liệu hồ sơ của người dân vào hệ thống một cửa của cơ quan hành chính. Quy trình giải quyết hồ sơ sẽ nhanh chóng và an toàn hơn. Trong giai đoạn thí điểm, đang có khoảng 20 bưu cục đảm nhận vai trò giống như một bộ phận một cửa”, đại diện Ban Dịch vụ Hành chính công cung cấp thông tin và dự kiến mô hình này sẽ được nhân rộng trên phạm vi cả nước trong thời gian tới.
Lý tưởng nhất sẽ là khi các hệ thống một cửa kết nối và liên thông tốt dữ liệu, người dân chỉ cần ra bưu điện cũng có thể thực hiện được thủ tục hành chính của cả 4 cấp (xã, huyện, tỉnh, Trung ương).
Xu hướng khác cũng đang dần phổ biến, đó là người dân làm dịch vụ công trực tuyến, sau đó đăng ký nhận kết quả tại nhà qua đường bưu điện. Tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người dân không có máy tính hoặc không rõ thao tác thì có thể nhờ nhân viên bưu điện hướng dẫn, hỗ trợ. Mô hình này sẽ khả thi cao khi định danh cá nhân và chữ ký số cá nhân được triển khai thống nhất, đồng bộ, rộng khắp cả nước.
Bình Minh
(Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Quý Mão 2023)
Cuối tháng 10, một bệnh nhân nữ sử dụng BHYT để khám sức khỏe tại một cơ sở y tế. Khi đưa thông tin lên hệ thống, nhân viên tại đây phát hiện trường hợp này vừa sử dụng BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Nghi ngờ có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm, nhân viên trên đã thông báo Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra.
Đánh giá sự việc nghiêm trọng, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thành lập tổ thanh tra độc lập để rà soát. Đơn vị gặp không ít khó khăn vì nhân sự mỏng, số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT năm qua rất lớn. Tuy nhiên, các cán bộ được giao nhiệm vụ đã tiếp cận từng trường hợp.
Theo ông Sơn, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với 19 trường hợp liên quan tới bác sĩ L.V.N. Ngày 12/12, bác sĩ N. đã nộp lại số tiền vi phạm trên 350 triệu đồng. Đơn vị đang tiếp tục kiểm tra 34 trường hợp khác với số tiền gần 530 triệu đồng cũng liên quan tới bác sĩ N.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng khẳng định, đã tạm đình chỉ công tác khám chữa bệnh của bác sĩ N.
Bước đầu, bác sĩ N. thừa nhận hành vi của mình. Trong tường trình, nam bác sĩ trình bày nhiều trường hợp có thẻ BHYT tới khám bệnh nên đã lưu lại các dữ liệu. Số khác cũng chuyển thông tin BHYT nhờ nhận thuốc giúp nên bác sĩ N. nảy sinh ý định trục lợi tiền bảo hiểm của người bệnh.
Bác sĩ N. đã kê đơn, nhận thuốc của 19 người dù họ không tới khám và lấy thuốc để trục lợi hơn 350 triệu đồng. Về số thuốc đã nhận, bác sĩ này trần tình khi bệnh nhân cần thì đưa, số còn lại mang đi bán.
Về trường hợp nhiều người “mượn” thẻ bảo hiểm, nhận thuốc giúp, theo ông Sơn đây là hành vi phạm pháp luật. Song song đó, một số cơ sở khám chữa bệnh ghi nhận xuất hiện tình trạng lưu thông tin thẻ BHYT của người bệnh tới khám và lấy thuốc, sau đó sử dụng để lấy thuốc đem bán.
Để đảm bảo quyền lợi người sử dụng BHYT, ông Sơn thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa ứng dụng Bảo hiểm xã hội số VssID vào hoạt động. Vì thế, người dùng có thể theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, sổ khám chữa bệnh và các dịch vụ trực tuyến liên quan, để đảm bảo quyền lợi của mình.